Bi kịch phận đời người đàn bà “lấy nhầm chồng”: Cứ nhậu say, thua bạc là xích chân vợ vào cột nhà

Chỉ xích chân vào cột nhà thôi thì cũng đành, đằng này gã còn nhiều lần chửi bới, đánh đập, nhưng bà G. vẫn cam chịu để nuôi con trưởng thành.
9:36 | 23/10/2019
Hoàn cảnh bà G. bi đát chẳng kém cạnh gì so với cuộc đời người phụ nữ làng chài trong tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa”, bởi gã chồng vũ phu cũng thường xuyên “ban tặng” những trận đòn roi dã man. Sau mỗi lần thua lô đề hoặc nhậu say, gã đều ngược đãi, hành hạ vợ. Gần đây nhất, gã lôi cả xích sắt và ổ khóa ra trói chân bà G. vào cái cột trước hiên nhà rồi đánh đập.

Dốc lòng chăm chồng, chồng dốc sức hành hung


Sáng 3/10, Công an huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế) cho biết, đơn vị đã ra quyết định xử phạt đối với ông Dương Có (SN 1969, trú tại tổ dân phố Khánh Mỹ, thị trần Phong Điền) vì có hành vi đánh đập, xích chân vợ là bà Nguyễn Thị G. (SN 1970). Theo đó, ông Có bị xử phạt hành chính 1,2 triệu đồng theo quy định tại Điều 49 Nghị định 167/2013/NĐ-CP về hành vi đánh đập, gây thương tích cho thành viên gia đình. Ông Có còn bị xử phạt 250.000 đồng về hành vi gây ồn ào, mất trật tự. “Ngoài ra, đối tượng Có còn bị Công an thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền đưa vào diện quản lý giáo dục tại địa phương. Sau đó, nếu đối tượng Có còn tiếp tục bạo hành gia đình, cơ quan chức năng sẽ tiến hành các bước xử lý nghiêm khắc tiếp theo”, ông Trịnh Đức Hùng – Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết.

Trước đó, hình ảnh bà Nguyễn Thị G. bị gã chồng nghiện rượu, mê lô đề trói chân vào cái cột trước hiên nhà bằng một sợi xích sắt khiến dư luận vô cùng hoang mang, nhiều người bày tỏ thái độ phẫn nộ. Được biết, sự việc xảy ra vào tối ngày 9/9, sau khi đi chơi cờ bạc thua hết sạch tiền, ông Có về nhà xin tiền nhưng bà G. không đưa. Ông Có bực tức lấy xích sắt chói chân vợ vào cái cột trước hiên nhà. Phát hiện sự việc, bà con lối xóm đã báo tin đến Hội phụ nữ. Tối cùng ngày, Hội phụ nữ và bà con lối xóm đã giải cứu đưa bà G. về nhà mẹ đẻ trú tạm.  Sau đó, Hội phụ nữ đã báo cáo cấp trên và cơ quan chức năng đề nghị nghiêm trị đối tượng bạo hành vợ.
 
Bi kịch phận đời người đàn bà “lấy nhầm chồng”: Cứ nhậu say, thua bạc là xích chân vợ vào cột nhà
Mỗi lần say xỉn hoặc thu lô đề cờ bạc, ông Có lại lôi vợ ra đánh đập và lần này là dùng xích sắt trói chân vợ vào cột nhà

Ngồi thu mình giữa căn phòng ở trung tâm bảo trợ xã hội, bà G. vừa khóc vừa kể: “Tính đến nay, vợ chồng đã có với nhau 3 mặt con thế mà ông Có chẳng mấy khi quan tâm. Kinh tế gia đình do tôi gây dựng, lo toan. Có một thời gian dài ông ấy ốm đau cũng một tay tôi coi sóc, nay khỏi bệnh thì đổ đốn như thế. Ông ấy không chịu làm ăn, đi làm thợ hồ được bao nhiêu là “ném” hết vào chiếu bạc, lô đề, rượu chè”.  Được biết, đây không phải lần đầu bà G. bị chồng bạo hành. Trước đó, cứ hễ thua lô đề hay say xỉn, ông Có lại “thượng cẳng chân hạ cẳng tay”. Thậm chí có những lần ông Có còn dùng búa đập đầu, dùng tay bóp cổ... nhưng lo con cái không có mái ấm tử tế, bà G. lại ngâm đắng nuốt cay chịu đựng.

Hội phụ nữ thị trấn Phong Điền cho biết, sau đêm bà G. bị xích vào cái cột rồi đánh đập, gã chồng vũ phu vẫn không chịu buông tha mà tiếp tục tìm cách buộc nạn nhân phải rời quê nhà đi lánh nạn ở trung tâm bảo trợ xã hội tại thành phố Huế. Ông Có dọa, hễ gặp bà G. ở đâu sẽ giết ở đó, khiến người phụ nữ đáng thương nà có nhà mà không dám trở về...

Phụ nữ cần biết nói không với bạo lực gia đình


Nếu sự việc bị xích chân vào cột nhà không được bà con lối xóm phát hiện ra thì có lẽ bà G. vẫn cố gắng nhẫn nhịn vì con cái mà ở cùng gã chồng vũ phu. Để rồi sau đó vẫn là những chuỗi ngày đòn roi không lối thoát. Nhưng thật may sự việc đã được phanh phui, bà G. đã quyết định gửi đơn lên tòa xin giải quyết ly hôn chồng.

Dù vụ viêc đã xảy ra được vài ngày nhưng vì sự an toàn của phụ nữ và trẻ nhỏ, chúng ta đành phải nhắc lại tấm bi kịch này. Bởi không phải người phụ nữ nào rơi vào hoàn cảnh ấy cũng biết tự đứng lên để bảo vệ quyền lợi của mình. Thực tế chứng minh, có đến 90% phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình đều cố gắng giấu giếm để bảo tồn một cái gia đình có hình nhưng không có hồn. Điển hình như vụ việc nữ phóng viên V.T.T.L. (SN 1992, trú tại phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội) bị chồng là Nguyễn Xuân Vinh đánh đập dã man khi đang ôm con gái mới sinh còn đỏ hỏn trên tay xảy ra vào tháng 8/2019. Mặc dù sự việc từng gây phẫn nộ dư luận nhưng sau đó chị L. vẫn quyết định rút đơn tố cáo chồng bạo hành và xin hòa giải. Được biết, lý do chị L. rút đơn là vì không muốn gây thù hằn từ đời này sang đời khác nên chấp nhận gạt bỏ mọi sự ích kỷ để chấm dứt sự việc tại đây. Thế nhưng, sau này tình trạng bạo hành có còn xảy ra nữa hay không thì chẳng ai hay biết...
 
Bi kịch phận đời người đàn bà “lấy nhầm chồng”: Cứ nhậu say, thua bạc là xích chân vợ vào cột nhà
Có quá ít phụ nữ Việt Nam dám tố cáo bạo lực gia đình

Từ những việc trên, nhiều người đặt câu hỏi tại sao đàn ông có thể đang tâm ra tay với vợ mình? Với kinh nghiệm 18 năm làm tham vấn tâm lý, TS Xã hội học Phạm Thị Thúy - Giảng viên Học viện Hành chính quốc gia, chuyên viên tâm lý Nhà văn hóa Phụ nữ Tp.HCM bày tỏ sự bất bình trước các vụ chồng bạo hành vợ dã man gần đây. Những vụ bạo hành đó gây hậu quả nghiêm trọng lên bản thân người phụ nữ, đứa con và ngay cả chính người đàn ông gây ra. Nói về nguyên nhân bạo hành, TS Thúy cho rằng, nó xuất phát từ một vài lý do sau: Người đàn ông đánh vợ không kiểm soát được hành vi; người đàn ông có những tổn thương tâm lý từ nhỏ dẫn đến ám ảnh và trút giận lên vợ; người đàn ông sử dụng chất kích thích như rượu, bia… dẫn đến không kiểm soát được hành vi; người đàn ông gặp khó khăn trong công việc, kinh tế, áp lực trong cuộc sống không thể giải tỏa ở bên ngoài; do những xung đột trong quan hệ vợ chồng khiến họ bùng nổ cơn giận, và cả giận mất khôn dẫn đến hành vi bạo hành vợ...

Song dù là nguyên nhân gì đi chăng nữa thì người tổn thương đầu tiên vẫn là phụ nữ, vậy nên theo TS Phạm Thị Thúy, giải pháp đặt ra là đàn bà phải học cách tự vệ. Khi đàn ông nóng giận có biểu hiện bạo lực, phụ nữ cần biết tự bảo vệ mình và con cái trước tiên, đừng đôi co tranh đua hiếu thắng lúc đó. Phụ nữ cần có tư tưởng độc lập, tôn trọng thân thể của mình, nói không với bạo lực. Khi vợ chồng bình tĩnh cần nói rõ quan điểm "Tôi không chấp nhận anh đánh tôi, có chuyện gì thì cùng nhau giải quyết. Nếu không ở được thì cùng nhau ly hôn chứ việc đánh là không chấp nhận được".


Thu Nga (t/h)
comment Bình luận