Bệnh viện ở Bạc Liêu có kinh phí 200 tỉ đồng 'đắp chiếu', trách nhiệm của ai?

Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh Bạc Liêu được xây dựng với kinh phí 200 tỉ đồng, nhưng hơn 1 năm qua không sử dụng, dẫn tới lãng phí.
7:22 | 17/10/2022

Bệnh viện (BV) Lao và bệnh phổi tỉnh Bạc Liêu tọa lạc trên khu đất rộng 13.000 m2, thuộc xã Vĩnh Trạch (TP.Bạc Liêu), do Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu làm chủ đầu tư. BV có kết cấu gồm 3 khu, quy mô 1 trệt, 2 lầu, 100 giường bệnh. Đây được xem là BV có quy mô lớn, được đầu tư đồng bộ và hiện đại nhất tỉnh Bạc Liêu.

Trước đó, tại buổi họp báo thường kỳ do UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức vào tháng 5/2022, nhiều phóng viên đặt vấn đề vì sao Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh Bạc Liêu với kinh phí 200 tỉ đồng đã hoàn thành hơn 1 năm qua nhưng chưa thể hoạt động, nhiều cán bộ phải bất đắc dĩ ngồi không lãnh lương?

Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho biết bệnh viện này không đi vào hoạt động được là do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân chính là do bệnh viện đã triển khai các hoạt động đầu tư xây dựng trong 9-10 năm nay nên không đồng bộ với các thiết bị hiện tại.

"Thiết bị sau này khác hơn, cấu hình khác hơn so với thiết kế ban đầu. Không lắp thiết bị được thì lãng phí, không lắp được thì không nghiệm thu, không nghiệm thu thì không thanh toán được. Do chưa đồng bộ nên cần sửa lại một số hạng mục như phòng cháy chữa cháy và hạng mục khác, cần tăng thêm chi phí nữa", ông Thiều lý giải.

Theo ông Thiều, ngoài nguyên nhân nêu trên còn có nguyên nhân nguồn lực khi cán bộ không có, sự không đồng thuận của một số anh em trong bệnh viện.

"Chúng tôi sẽ xử lý. Để tâm phục khẩu phục chúng tôi thành lập một tổ nghiệm thu từng loại, loại nào không phù hợp bỏ ra xử lý sau. Cần làm rõ trách nhiệm, xử lý để sớm đưa bệnh viện vào hoạt động chứ 9-10 năm nay bỏ hoang rất phí. Xây bệnh viện to đùng không sử dụng dân bức xúc, lãnh đạo cũng bức xúc. Tỉnh đang làm quyết liệt để đưa vào sử dụng", ông Thiều nói thêm.

Bác sĩ (BS) Lê Minh Điền, Phó giám đốc BV Lao và bệnh phổi tỉnh Bạc Liêu, cho biết BV có 143 cán bộ, nhân viên, nhưng gần 3 năm qua không làm việc, hằng ngày chỉ đến BV “ngồi chơi… để lãnh lương”. BS Điền thừa nhận, BV đã gây lãng phí rất lớn về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế; đặc biệt 143 cán bộ, nhân viên, y BS, điều dưỡng hầu như không làm gì. Lý giải nguyên nhân BV không thể đưa vào hoạt động, BS Điền cho rằng do trang thiết bị y tế do nhà thầu lắp đặt không bàn giao được.

Cụ thể, Hợp đồng số 01/2020/MINEXPORT-SYTBL do Công ty CP xuất nhập khẩu Khoáng sản thực hiện gói thầu số 11, gồm 77 danh mục, tổng vốn đầu tư trên 101 tỉ đồng. Hợp đồng ký ngày 20/8/2020, thời hạn 6 tháng. Tuy nhiên đến nay đã trễ gần 2 năm nhưng không thể bàn giao cho BV. Hiện phần lớn các trang thiết bị, máy móc đều gặp sự cố kỹ thuật, hư hỏng, rỉ sét, không sử dụng được.

BS Điền cho biết thêm, ông vừa ký báo cáo tổng hợp về tình trạng trang thiết bị gói thầu số 11 gửi Giám đốc Sở Y tế Bạc Liêu. Theo báo cáo, trong hồ sơ chủ đầu tư bàn giao cho đơn vị sử dụng thì tất cả thành phần hồ sơ liên quan đều là bản photo có đóng dấu treo của đơn vị phát hành, không có hồ sơ gốc. Đặc biệt, tất cả chứng từ hải quan, invoice (hóa đơn thương mại) đều bị xóa giá, một số CO (giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa) không đúng nguồn gốc. Đơn vị sử dụng đã nhiều lần yêu cầu bàn giao bản gốc, hoặc nếu không giao bản gốc thì phải đem bản gốc ra đối chiếu với các bản photo nhưng vẫn không có.

Bệnh viện Lao và bệnh phổi Bạc Liêu xây xong “ở không” 3 năm

Tại khoa Xét nghiệm, trang thiết bị từ ngày lắp đặt đến nay không sử dụng, không bảo trì, không có hóa chất rửa máy. Trang thiết bị khoa Chẩn đoán hình ảnh không sử dụng, một số thiết bị không bảo trì định kỳ. Máy X-quang cố định đã hết thời gian bảo hành và bị lỗi do đèn cảnh báo phát tia được kỹ sư hãng kiểm tra chưa sửa chữa khắc phục; tấm nhận ảnh không cầm pin và phần sạc nằm dưới bàn chụp bệnh nhân thì sạc lúc được lúc không, không đạt yêu cầu. Hệ thống nội soi không sử dụng nên hệ thống rửa ống nội soi đã rỉ sét. Máy đo chức năng hô hấp không có hệ thống máy vi tính và pin dự phòng kèm. Máy siêu âm màu 4D không có máy in nhiệt theo máy nên không thực hiện được chức năng siêu âm tại giường, khi cần siêu âm chẩn đoán bệnh nhân nặng không thể di chuyển được.

Trang thiết bị tại khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn từ khi lắp đặt thiết bị đến nay không sử dụng, không có đơn vị nào đến bảo trì. Hệ thống làm mềm nước cung cấp cho máy hấp nhiệt độ cao và máy rửa khử khuẩn 2 cửa có sấy khô vẫn chưa có hướng dẫn sử dụng. Máy hấp tiệt trùng bằng hơi nước 250 lít, theo đơn vị cung cấp thì nút dừng khẩn cấp tích hợp với nút nguồn, nhưng chưa có đơn vị hướng dẫn chức năng tích hợp của nút dừng khẩn cấp. Máy rửa khử khuẩn 2 cửa có sấy khô lắp đặt chưa đúng với nghiệm thu, nhưng đến nay vẫn chưa có đơn vị nào khắc phục, trong khi đó máy đã một lần hỏng bộ điện. Máy hấp nhiệt độ thấp trong lần bảo trì đầu tiên thì một dây tín hiệu đã có dấu hiệu bị ô xy hóa.

Ông Trần Hoài Đảo, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu thông tin tại cuộc họp báo quý III/2022.

Hai tủ bảo quản tử thi đến nay vẫn chưa khắc phục dứt điểm tình trạng bị chảy nước, nhiều chỗ bị rỉ sét. Trang thiết bị khoa Lâm sàng chỉ vận hành để bảo quản, tránh tình trạng thiết bị hư hỏng. Máy giúp thở người lớn và trẻ em có 8 máy, trị giá trên 8 tỉ đồng, nhưng có 4 máy gặp sự cố từ lúc lắp đặt đến nay. Trong đó, 1 máy bị hư cảm biến ô xy, 1 máy lỗi báo động, 1 máy hư cảm biến lưu lượng, 1 máy hư pin dự phòng và chức năng phun khí dung (đến nay chưa khắc phục được lỗi phun khí dung nên rất nguy hiểm khi cấp cứu bệnh nhân). Tình trạng 3 ô tô cứu thương trị giá hơn 5,6 tỉ đồng có cấu hình không đúng theo hợp đồng; catalogue là xe vận tải hành khách, chuyển công năng thành xe cứu thương; đồng thời phải hủy bỏ tất cả biên bản nghiệm thu do nghiệm thu sai tình trạng hồ sơ...

Trả lời trên báo chí mới đây, ông Trần Hoài Đảo, Phó giám đốc Sở Y tế Bạc Liêu, cho biết năm 2010 tỉnh Bạc Liêu thông qua đề án xây dựng BV Lao và bệnh phổi. Tuy nhiên, giai đoạn 2010 - 2016 được đầu tư kinh phí rất ít, chủ yếu chỉ xây dựng các công trình phụ; sau khi xem xét lại, dự án đã vượt dự toán ban đầu. Do đó, năm 2016 Sở Y tế có đề xuất nâng mức dự toán lên, đồng thời BV cũng đề xuất mua nhiều trang thiết bị hiện đại.

Những công trình 'làm nghèo' đất nước: Bệnh viện 200 tỉ đồng 3 năm không thể đón bệnh nhân - ảnh 3

8 máy giúp thở nhưng có đến 4 máy gặp sự cố, hư hỏng

Theo đó, hợp đồng mua sắm trang thiết bị gói thầu số 11 được ký ngày 20/8/2020, do Sở Y tế làm chủ đầu tư, thời gian thực hiện hợp đồng là 6 tháng. Đến nay đã vượt thời gian thực hiện dự án gần 2 năm, nhưng hầu hết trang thiết bị với tổng vốn đầu tư trên 101 tỉ đồng vẫn chưa được bàn giao.

Ông Trần Hoài Đảo cho rằng, muốn BV hoạt động được phải đáp ứng 4 nguồn lực chính: cơ sở vật chất; nhân lực và bộ máy tổ chức; kinh phí hoạt động; trang thiết bị. Tuy nhiên, hiện còn vướng mắc trong việc bàn giao trang thiết bị nên BV không thể hoạt động.

Để giải quyết các khó khăn, UBND tỉnh Bạc Liêu đã có rất nhiều cuộc họp và đã thành lập 2 tổ công tác để rà soát, đánh giá các điều kiện đưa BV vào hoạt động. Đồng thời, mời 3 cán bộ kỹ thuật, trang thiết bị của BV Chợ Rẫy TP.HCM hỗ trợ làm việc với nhà thầu và đơn vị sử dụng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, phần lớn trang thiết bị vẫn chưa bàn giao được. Sở Y tế đã chủ động mời Bộ Y tế hỗ trợ cho tỉnh.

Ông Phan Thanh Duy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho biết quá trình vận hành một số trang thiết bị BV Lao và bệnh phổi bị lỗi phải dừng lại để đề nghị nhà thầu khắc phục, một số không đảm bảo cấu hình theo hợp đồng dẫn đến không thể bàn giao. Điển hình 3 xe cứu thương bàn giao không đúng thiết kế ban đầu, buộc nhà thầu phải khắc phục theo ký kết.

Còn ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho hay Thường trực UBND tỉnh đã giao ông Phan Thanh Duy làm việc với Sở Y tế để rà soát cụ thể từng trang thiết bị. Thiết bị nào nghiệm thu được thì bàn giao đưa vào hoạt động. Thiết bị nào không nghiệm thu được thì phải dừng lại để báo cáo. Đồng thời, đề nghị cho thanh tra, kiểm tra kỹ. Nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì chuyển sang Cơ quan CSĐT để điều tra làm rõ, không bao che sai phạm.

Trước đó, Sức Khỏe 24H cũng đã phản ánh sự việc, tháng 8/2020, Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu quyết định phê duyệt lựa chọn Công ty CP Xuất nhập khẩu khoáng sản (Minexport) cung cấp 154 mặt hàng trang thiết bị y tế, có giá 101 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhiều mặt hàng lại có giá bán cao hơn niêm yết của doanh nghiệp khác…

Cụ thể, theo Quyết định số 2416/QĐ-SYT ngày 13/8/2020 dó Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu Trần Hoài Đảo ký về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu số 11: Mua sắm và lắp đặt trang thiết bị thuộc Dự án Mua sắm trang thiết bị y tế Bệnh viện Chuyên khoa Lao.

Theo đó, nhà thầu duy nhất tham dự đấu thầu qua mạng và được lựa chọn trúng thầu là Công ty CP Xuất nhập khẩu khoáng sản (Minexport). Giá trúng thầu là 101,013 tỷ đồng (giảm được 862 triệu đồng, tỷ lệ tiết kiệm dưới 1%). Thời gian thực hiện hợp đồng là 180 ngày, loại hợp đồng trọn gói.

Có tất cả 154 mặt hàng, trong đó có các mặt hàng có giá trị lớn như xe ô tô cứu thương, hệ thống CT Scanner 16 lát cắt, máy xét nghiệm sinh hóa, máy X-Quang, máy siêu âm…

Theo tìm hiểu của phóng viên Sức Khỏe 24H, trong số 154 mặt hàng trang thiết bị y tế mà Sở Y tế Bạc Liêu mua của Công ty CP Xuất nhập khẩu khoáng sản (Minexport) thì một số mặt hàng (có giá trị lớn) đều có giá trúng thầu cao hơn so với giá niêm yết của các doanh nghiệp khác tại Bộ Y tế.

Quyết định phê duyệt do ông Trần Hoài Đảo, Phó giám đốc Sở Y tế Bạc Liêu ký.

Cụ thể, máy xét nghiệm sinh hóa tự động có model: Dimension EXL 200, Hãng sản xuất: Siemens – Mỹ, có giá trúng thầu là 6.166.000.000 đồng. Tuy nhiên, khảo sát tại bảng giá niêm yết của Bộ Y tế thì sản phẩm này (trùng model, hãng sản xuất, xuất xứ) có giá chỉ là 5.400.000 đồng (bao gồm VAT, , tài liệu và dịch vụ sau bán hàng).

Máy X-quang di động, có model FDR Nano (DR-XD 1000), hãng sản xuất: Fujifil Corporation (Nhật Bản) có giá trúng thầu là 4.866.000.000 đồng. Tuy nhiên, khảo sát tại bảng giá niêm yết của Bộ Y tế thì sản phẩm này (trùng model, hãng sản xuất, xuất xứ) có giá chỉ là 4.000.000.000 đồng (bao gồm VAT, tài liệu và dịch vụ sau bán hàng). Mới đây, Sở Y tế TP. Đà Nẵng chỉ mua loại máy này với giá 2,8 tỷ đồng/máy.

Máy siêu âm màu 4D, model: LIGIQ P7, Hãng sản xuất: GE, Hàn Quốc (Nhà máy GE tại Hàn Quốc) có giá bán là 2.700.550.000 đồng. Tuy nhiên, cũng dòng máy này (cùng model, hãng sản xuất, xuất xứ…) trên cổng thông tin của Bộ Y tế chỉ có giá bán 2.350.000.000 đồng (đối với loại doppler màu 4D kèm 02 đầu dò) và 2.600.000.000 đồng (đối với loại doppler màu 4D kèm 04 đầu dò).

Máy X-Quang 500mA, model: Multix Impact, hãng sản xuất: Siemens, xuất xứ Trung Quốc có giá trúng thầu là 5.523.000.000 đồng. Tuy nhiên, cũng dòng máy này (cùng model, hãng sản xuất, xuất xứ…) trên cổng thông tin của Bộ Y tế chỉ có giá 4.900.000.000 đồng (bao gồm thuế VAT, tài liệu và các dịch vụ sau bán hàng); Vào tháng 9/2020, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Bình Phước mua với giá 4,6 tỷ đối với loại máy X-quang có model: Multix Impact; Tháng 7/2021, Bệnh viện đa khoa huyện Đan Phượng (Hà Nội) mua hệ thống này với giá chỉ 3.935.000.000 đồng.

Hệ thống CT Scanner 16 lát cắt, model: TSX-035A (Aquilion Lightning), hãng sản xuất: Canon Medical, xuất xứ Nhật Bản có giá  trúng thầu là 16.180.000.000 đồng. Tuy nhiên, loại máy trùng với thông tin này (Hệ thống CT Scanner 16 lát cắt, hãng sản xuất: Canon Medical Systems Corporation, nước sản xuất: Nhật Bản…)  trên cổng thông tin của Bộ Y tế đang công khai giá là 12.500.000.000 đồng (bao gồm VAT, tài liệu hướng dẫn và các dịch vụ sau bán hàng).

CTCP Xuất nhập khẩu Khoáng sản (tên viết tắt Minexport) có lịch sử từ năm 1956, từng là đơn vị kinh tế quốc doanh trực thuộc Bộ Thương Mại, nay là Bộ Công Thương. Thực hiện chủ trương cổ phần hoá, năm 2005, Bộ Thương mại đã phê duyệt phương án chuyển Công ty xuất nhập khẩu Khoáng Sản thành CTCP xuất nhập khẩu Khoáng Sản và duy trì mô hình cho đến hiện nay. Trụ sở chính của công ty hiện đặt tại số 28 phố Bà Triệu, phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Đầu năm 2018, Minexport tăng mạnh vốn điều lệ từ 35 tỷ đồng lên mức 800 tỷ đồng. Đây cũng là năm mà Minexport hợp nhất vào Tập đoàn Gami (Gami Group) - tập đoàn đa ngành có tiếng ở phía Bắc. Hiện nay, người đại diện pháp luật của Minexport là bà ĐẶNG THU TRANG (trước đây là bà NGUYỄN THỊ THANH THỦY, Trần Thị Lan Anh).

Vào ngày 30/12/2020, Minexport đã phát hành 300 tỉ đồng trái phiếu không chuyển đổi, không có tài sản đảm bảo và không kèm chứng quyền.
Danh tính trái chủ không được công bố, chỉ biết rằng đây là một tổ chức trong nước. Đơn vị tư vấn phát hành, đại lý phát hành và lưu ký trái phiếu là CTCP Chứng khoán Everest (HNX: EVS). Mới nhất, ngày 15/9/2022, Minexport có động thái công bố thông tin mua lại trước hạn trái phiếu (trị giá gần 143,6 tỷ đồng) dự kiến vào ngày 30/11/2022.

Sức Khỏe 24H sẽ tiếp tục thông tin!

 

Trước đó, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Bạc Liêu đã có báo cáo về tổng thể thực trạng bệnh viện chưa thể tiếp nhận bệnh nhân dù đã hoàn thành hơn một năm.

Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Bạc Liêu do Sở Y tế làm chủ đầu tư, có diện tích 13.000m2 (nằm trên địa bàn xã Vĩnh Trạch, TP. Bạc Liêu), với kinh phí trên 200 tỷ đồng. Bệnh viện gồm 3 khu, quy mô 1 trệt, 2 lầu với 100 giường bệnh.

Bệnh viện có tổng cộng 143 cán bộ nhân viên, y, bác sĩ, điều dưỡng, nhưng một năm qua chỉ đi tập huấn, đi học, thực tập, thao tác bảo trì thiết bị y tế; có khoảng 50% nhân lực ngồi chơi lĩnh lương.
comment Bình luận