Bệnh viện Hữu Nghị: Quy trình báo động đỏ cứu sống nhiều bệnh nhân

Tại Bệnh viện Hữu Nghị, đột quỵ não là một trong những bệnh được đưa vào quy trình “báo động đỏ” của bệnh viện.
12:51 | 10/11/2020

Đột quỵ não (trước đây gọi là tai biến mạch não) là các thiếu sót chức năng của não xẩy ra đột ngột do một mạch máu bị vỡ hoặc tắc, bao gồm động mạch, mao mạch và hiếm hơn là tĩnh mạch mà không do chấn thương.

Các nghiên cứu đã cho thấy có 80% đột quỵ não là do tắc nghẽn mạch máu não và 20% là xuất huyết não. Cùng với sự tiến bộ trong chẩn đoán thì các phương pháp điều trị mới đã mang lại hiệu quả cao, cứu sống được nhiều bệnh nhân, tránh được những di chứng nặng nề của bệnh.

Tại Bệnh viện Hữu Nghị, đột quỵ não là một trong những bệnh được đưa vào quy trình “báo động đỏ” của bệnh viện. Nhân viên của các khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực, Can thiệp tim mạch, Chẩn đoán hình ảnh và Thần kinh thường xuyên được tập huấn những kiến thức về bệnh, thái độ xử trí trước một bệnh nhân có biểu hiện nghi ngờ đột quỵ và phối hợp nhịp nhàng, khẩn trương để tăng cơ hội cứu sống bệnh nhân.

Khi một bệnh nhân có biểu hiện đột quỵ (méo miệng, yếu, liệt tay chân, nói khó) mà thời gian từ lúc khởi bệnh đến khi được đưa vào bệnh viện dưới 6 giờ thì tại khoa Cấp cứu sẽ khởi động quy trình “báo động đỏ” nội viện.

Đối với những bệnh nhân đến trước 4,5 giờ sẽ được tiếp nhận và làm một số thủ tục cần thiết, bác sĩ khoa Cấp cứu thông báo sơ bộ tình hình bệnh nhân cho bác sỹ các Khoa Hồi sức tích cực, Can thiệp tim mạch, Chẩn đoán hình ảnh và Thần kinh tới hội chẩn tại phòng chụp sọ não, song song với đó là tiến hành lấy 2 đường truyền bằng kim lớn, xét nghiệm huyết học và sinh hóa máu. Thời gian cho công việc này không quá 10 phút.

Nếu bệnh nhân không có dấu hiệu suy hô hấp, tuần hoàn thì được chuyển qua chụp cắt lớp vi tính (CLVT 256 dãy) sọ não hoặc Cộng hưởng từ sọ mạch não. Khi kết quả chụp đã loại trừ xuất huyết não và không có chống chỉ định, bệnh nhân sẽ được tiêu sợi huyết ngay bằng Alteplase đường tĩnh mạch. Trong suốt quá trình tiêu sợi huyết, bệnh nhân được theo dõi sát tại khoa Hồi sức tích cực và đánh giá sự cải thiện của các triệu chứng so với ban đầu.

Chụp bằng máy CT 256 dãy thế hệ mới cho bệnh nhân.

Đối với những bệnh nhân đến muộn hơn (trên 4,5 giờ nhưng dưới 6 giờ) thì quy trình tiếp nhận và hội chẩn vẫn như trên.

Khi kết quả chụp loại trừ xuất huyết não, vị trí tắc động mạch não đã được xác định, bệnh nhân sẽ được chuyển đến phòng can thiệp để lấy huyết khối bằng dụng cụ.

Thời gian vàng để tiêu sợi huyết bằng đường tĩnh mạch là dưới 4,5 giờ và lấy huyết khối bằng dụng cụ là dưới 6 giờ.

Vì vậy, ở cộng đồng khi phát hiện người có biểu hiện đột ngột: méo miệng, nói khó, yếu liệt tay chân không đi lại được thì không nên xoa bóp, chích máu, chờ đợi hoặc dùng các biện pháp dân gian khác làm mất thời gian vàng mà hãy nhanh chóng đưa bệnh nhân đến khoa Cấp cứu, Bệnh viện Hữu Nghị, chúng tôi sẽ ưu tiên tiếp nhận trước và bằng mọi biện pháp để điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.Với hệ thống trang thiết bị hiện đại: máy chụp CLVT 256 lát cắt, máy cộng hưởng từ 1,5 Tesla, máy DSA… và đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm, thái độ làm việc khẩn trương và trách nhiệm cao. Thời gian qua nhiều bệnh nhân nhồi máu não đến sớm đã được cứu sống rất ngoạn mục nhờ áp dụng quy trình “báo động đỏ” nội viện, tránh được những di chứng nặng nề cho bệnh nhân.

Quy trình “báo động đỏ” nội viện cứu sống ca bệnh khó

Vào hồi 8h21 phút ngày 02/11/2020, bệnh nhân nữ (83 tuổi, địa chỉ Cầu Giấy – Hà Nội) được người nhà đưa đến bệnh viện trong tình trạng nói khó  liệt nửa người phải.

Theo thông tin từ người nhà, bệnh nhân vẫn hoàn toàn bình thường trước khi đi ngủ, sáng dậy phát hiện thấy nói khó và liệt nửa người phải.

Qua khai thác tiền sử bệnh lý cho thấy bà cụ còn mắc thêm các bệnh lý khác như tăng huyết áp và rối loạn nhịp tim.

Nhận định đây là một trường hợp đột quỵ cấp, các bác sĩ tại khoa Cấp cứu đã nhanh chóng làm các xét nghiệm cần thiết và báo động cấp cứu đột quỵ.

Bệnh nhân được chẩn đoán đột quỵ não cấp, không rõ giờ khởi phát do triệu chứng phát hiện sau ngủ dậy nên các bác sĩ cho chỉ định chụp MRI sọ não.

Kết quả chụp MRI đó là có một ổ 7x15mm cánh tay bao trong trái, ranh giới rõ tăng tín hiệu nhẹ trên DWI (Diffusion) và đồng tín hiệu với vỏ não xung quanh trên T2W và FLAIR, không gây choán chỗ(dấu hiệu bất tương xứng trên xung DWI và FLAIR).

Kết luận đột quỵ não cấp do tắc mạch vị trí cánh tay bao trong trái, cấp tính dưới 3h.

Vị trí tổn thương và thời gian tổn thương phù hợp với dấu hiệu lâm sàng, kíp cấp cứu đột quỵ đã sử dụng thuốc tiêu sợi huyết liều 0.6mg/kg với mục đích tái thông mạch máu não bị tắc.

Kiểm tra mạch máu não sau khi tiêm thuốc không thấy tắc các mạch máu lớn trong não. Bệnh nhân hồi phục hoàn toàn về tri giác và vận động sau đó 12 giờ, từ thời điểm vào bệnh viện đến khi được tiêm thuốc khoảng 45 phút.

Bệnh nhân hồi phục sau đột quỵ.

Sáng 05/11/2020, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, vận động tứ chi bình thường ra viện sau 2 ngày.

Đây là một trong rất nhiều trường hợp cấp cứu đột quỵ mà BV Hữu Nghị đã tiếp nhận điều trị. Các bệnh nhân nhồi máu não đến bệnh viện sau 6 giờ kể từ khi khởi phát thì cơ hội được điều trị hầu như còn rất ít.

Do đó, khi bị đột quỵ người bệnh cần được đưa đến bệnh viện - nơi có đơn vị can thiệp mạch não càng sớm càng tốt.

Theo TS.BS Nguyễn Thế Anh - Phó giám đốc BV Hữu Nghị - Trưởng khoa Hồi sức tích cực và chống độc BV Hữu Nghị cho biết: Hiện nay y học đã tiến bộ giúp điều trị thành công nhiều trường hợp tai biến mạch máu não, giúp bệnh nhân nhanh chóng trở lại sinh hoạt bình thường.

Mọi người có thể dễ dàng nhận biết đột quỵ nếu đột ngột xảy ra một trong các triệu chứng: méo miệng, liệt hoặc yếu nửa người, giảm hoặc mất tri giác, giọng nói không lưu loát, xây xẩm, choáng váng, mất thăng bằng thì cần nhanh chóng đưa vào bệnh viện càng sớm càng tốt và việc được cứu chữa sớm sẽ giúp cho bệnh nhân có khả năng phục hồi cao hơn.

TS.BS Nguyễn Thế Anh - Phó giám đốc BV Hữu Nghị - Trưởng khoa Hồi sức tích cực và chống độc BV Hữu Nghị.

Bệnh viện Hữu Nghị đã triển khai can thiệp cấp cứu đột quỵ được 5 năm, luôn đảm bảo có ê-kíp bác sĩ trực tiếp nhận và điều trị can thiệp cấp cứu cho bệnh nhân 24/7, đã điều trị thành công nhiều trường hợp bệnh nhân đột quỵ nặng, nguy kịch.

Hiện nay, bệnh viện đã triển khai nhiều kỹ thuật để điều trị đột quỵ như: điều trị tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch, lấy huyết khối bằng dụng cụ, chụp và nút phình động mạch não xóa nền, phẫu thuật sọ não dùng clip kẹp cổ túi phình mạch não, nong mạch máu não bị hẹp, đặt stent mạch máu não và phẫu thuật bóc tách nội mạc động mạch cảnh.

Để được tư vấn và khám bệnh, vui lòng đăng ký tại:
Bệnh viện Hữu Nghị - Số 1 Trần Khánh Dư – quận Hai Bà Trưng Thành phố Hà Nội.Thời gian khám bệnh từ thứ Hai đến thứ Sáu: 07h30 - 16h30

Link: https://suckhoedoisong.vn/benh-vien-huu-nghi-nhieu-benh-nhan-duoc-cuu-song-nho-quy-trinh-bao-dong-do-n182551.html

comment Bình luận