Bệnh nhân 251 có nằm cùng phòng với một người trở về từ Bệnh viện Bạch Mai

Trong số 25 người nằm cùng phòng với bệnh nhân 251 suốt 18 ngày gần đây tại BV đa khoa tỉnh Hà Nam, có một bệnh nhân có tiền sử từng điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai.
14:00 | 09/04/2020
Sau khi ghi nhận ca mắc COVID-19 thứ 251 ở Hà Nam ngày 8/4, cơ quan chức năng của tỉnh này lao vào công cuộc điều tra dịch tễ nhằm phát hiện các trường hợp tiếp xúc gần và tìm nguồn lây.
Ngày 9/4, trả lời báo chí, ông Lê Quang Minh - giám đốc Sở Y tế Hà Nam nhận định, quá khó để tìm F0 của ca bệnh này do nguồn lây cho bệnh nhân này chưa rõ ràng.

Hiện cơ quan chức năng tỉnh Hà Nam đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm với tất cả các trường hợp nhân viên y tế, người tiếp xúc với bệnh nhân gồm người thăm ốm, người nằm cùng phòng bệnh, thân nhân của bệnh nhân 251.
 
Bệnh nhân 251 có nằm cùng phòng với một người trở về từ Bệnh viện Bạch Mai
Tỉnh Hà Nam họp khẩn trong đêm về trường hợp mắc bệnh mới. Ảnh: báo Hà Nam

Ông Minh cho biết, trong số 25 người nằm cùng phòng bệnh với bệnh nhân 251 suốt 18 ngày gần đây, có một bệnh nhân có tiền sử từng điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai từ ngày 2 đến 9/3. Sau 1 tuần này, bệnh nhân được đưa về BV đa khoa tỉnh Hà Nam và ngày 23/3 vào khoa nội tiêu hóa điều trị cùng phòng với bệnh nhân 251.

Ông Minh cho hay, ngày 9/3 chưa phải là thời điểm bùng phát ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai và người đến Bạch Mai ở thời điểm này cũng không trong diện rà soát. Tuy nhiên, do ghi nhận bệnh nhân 251 các trường hợp người nằm cùng phòng đã được lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm, sẽ có kết quả trong ngày 9/4.

Cũng theo ông Minh, nếu xác định được người cùng phòng là nguồn lây thì việc tìm F0 có hiệu quả, nếu không thì phải tiếp tục và điều này vô cùng khó khăn.
 
Bệnh nhân 251 có nằm cùng phòng với một người trở về từ Bệnh viện Bạch Mai
Bệnh nhân 251 được điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Nam

Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Hà Nam nhận định, do bệnh nhân 251 lớn tuổi lại đang bệnh nên không đi đâu ngoài tỉnh Hà Nam. Nếu không phải từ người cùng phòng thì nguồn lây có thể chỉ ở khu vực xung quanh hoặc từ con cái ở Hà Nội về chăm nom. Nếu không tìm ra F0 thì việc khống chế ổ dịch sẽ rất khó khăn.

Về tình hình sức khỏe, bệnh nhân 251 có yếu tố dịch tễ phức tạp do có thời gian nằm viện dài ngày, cao tuổi, mắc nhiều bệnh nền là thiếu máu và xơ gan. Ngày 5/4, ông này có biểu hiện sốt và ngày 8/4 bắt đầu có dấu hiệu viêm phổi.

Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Nam đã mời hai chuyên gia của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TƯ về hỗ trợ điều trị cho trường hợp này.
 
Đây không phải ca bệnh đầu tiên lây lan trong cộng đồng. Trong khoảng 2 tháng rưỡi vừa qua, tại Việt Nam đã có trên 90 ca bệnh lây từ cộng đồng.

Trong số này có một số ca/ổ dịch mất dấu, như ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai với 45 ca mắc, ca bệnh 243 ở Mê Linh (Hà Nội) và giờ là ca bệnh 251 ở Hà Nam...
 
Nếu các ca bệnh xâm nhập từ nước ngoài và được cách ly ngay từ khi nhập cảnh, khả năng lây lan được hạn chế xuống mức rất thấp thì các ca lây từ cộng đồng và mất dấu ca F0 tiềm ẩn dấu hiệu lây lan rộng nếu không kịp thời phát hiện nguồn lây và biện pháp khoanh vùng kịp thời.
 
[presscloud]https://media.baosuckhoecongdong.vn/mediav2/upload/video/2020/04/09/Ha-Noi-tiem-an-nguy-co-lay-nhiem-cong-dong-cao-nhat-nuoc-VTC-Now_09042020092419.mp4[/presscloud]
Hà Nội tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cộng đồng cao nhất nước. Video: VTC
 
 
Hà Ly (t/h)
 
comment Bình luận