Báo động tình trạng đái tháo đường trẻ hóa: Nguyên nhân khiến trẻ 13 - 14 tuổi đã mắc bệnh

Bệnh đái tháo đường có hiện tượng trẻ hóa nghiêm trọng, nhiều trẻ mới 13, 14 tuổi đã phải nhập viện điều trị. Đáng nói nguyên nhân gây bệnh đều do lối sống và chế độ ăn uống thiếu khoa học.
11:15 | 11/11/2019

Trẻ 13, 14 tuổi đã phải điều trị đái tháo đường

 
Mới đây, Khoa Nội tiết- đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai tổ chức buổi sinh hoạt thường kỳ với chủ đề “Chào mừng ngày thế giới phòng chống bệnh Đái tháo đường 14/11”. Tại buổi sinh hoạt, TS.BS Nguyễn Quang Bảy, Trưởng Khoa Nội tiết - Đái tháo đường thông tin về tình trạng bệnh đái tháo đường tuýp 2 trẻ hóa đáng báo động.

Tại Khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai ghi nhận tình trạng bệnh nhân trẻ bị mắc đái tháo đường ngày một gia tăng, thậm chí có trẻ mới 13 tuổi đã phải nhập viện điều trị. Cụ thể, trước đây đối tượng có nguy cơ mắc đái tháo đường tuýp 2 là những người sau tuổi 35, rất ít gặp ở người trước 40 tuổi. Tuy nhiên, hiện nay xuất hiện nhiều bệnh nhân đái tháo đường ở trước tuổi 35, thậm chí có cả bệnh nhân dưới 18 tuổi.
 
Báo động tình trạng đái tháo đường trẻ hóa: Nguyên nhân khiến trẻ 14, 15 tuổi đã mắc bệnh
Ngày càng nhiều bệnh nhi mắc đái tháo đường

Mới đây nhất, một bệnh nhi 13 tuổi đến khám và điều trị áp xe gan. Khai thác bệnh sử được biết, trước đó bệnh nhi được điều trị áp xe gan tại cơ sở y tế khác nhưng không thuyên giảm. Xét nghiệm đường huyết cho chỉ số quá cao gia đình mới đưa tới Bệnh viện Bạch Mai.
 
Các bác sĩ cho biết bệnh nhi này mắc đái tháo đường tuýp 2. Được biết, trong gia đình cháu bé có bà, mẹ và nhiều người thân khác cũng mắc đái tháo đường. Đáng nói, cháu bé không được phát hiện đái đường cho đến khi nhập viện điều trị áp xe gan thì mới tìm ra bệnh. Đái tháo đường cũng chính là nguyên nhân gây nhiễm trùng ở trẻ.
 

Nguyên nhân khiến trẻ mới lớn đã mắc đái tháo đường


Các chuyên gia lý giải có nhiều nguyên nhân khiến trẻ mới lớn đã mắc đái tháo đường. Các yếu tố cơ địa bao gồm di truyền và trẻ béo phì, nhóm yếu tố thứ hai bao gồm stress, thức ăn có nhiều chất oxi hóa, chất bảo quản, chất độc... làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Đáng nói, một bộ phận không nhỏ trẻ mắc bệnh do có lối sống sinh hoạt và ăn uống thiếu khoa học. Phần lớn trẻ em hiện nay chỉ thích ăn thịt và các loại đồ ăn nhiều chất bé trong khi không hoặc thậm chí ăn rất ít rau. Trẻ dành thời gian xem tivi, điện thoại và các thiết bị điện tử quá nhiều, dẫn đến lười vận động.
 
Báo động tình trạng đái tháo đường trẻ hóa: Nguyên nhân khiến trẻ 14, 15 tuổi đã mắc bệnh
Di truyền, béo phì... là những nguyên nhân khiến trẻ mắc bệnh đái tháo đường

Ví dụ như một bệnh nhân nam gần 16 tuổi cao 1m83 nặng 88 kg hiện đang học lớp 10 ở Hà Nội nhập viện do đường huyết quá cao. Gia đình cho biết, trước đây cháu đã được phát hiện và điều trị đái tháo đường. Tuy nhiên, sau khi ra viện, cháu đi học lại, tuân thủ chế độ ăn uống của gia đình và chơi bóng rổ 1-2 tiếng mỗi ngày nhưng cân nặng vẫn tăng mất kiểm soát. Nguyên nhân do sau khi tập thể thao cháu thường đói và lại tự ăn những thứ không thuộc chế độ dinh dưỡng quy định.

TS Nguyễn Quang Bảy lưu ý, trẻ em trong độ tuổi 14,15 tuổi đang thừa cân béo phì xuất hiện tình trạng gai đen ở vùng da gáy hoăc ở nách thì cần theo dõi đái tháo đường. TS Bảy lý giải, những đám da đen sần sần là dấu hiệu cảnh báo trẻ đề kháng insulin và đái tháo đường. Đề kháng insulin là khi insulin bị giảm tác dụng trong điều chỉnh đường huyết. Vì giảm tác dụng nên cơ thể phải bù trừ tăng tiết insulin (tăng số lượng) để bù đắp cho hoạt động, cùng với nồng độ insulin quá cao ảnh hưởng đến sắc tố da.
 

Đái tháo đường ở người trẻ nặng và dễ biến chứng hơn


TS Bảy cho biết, trước đây nhiều báo cáo khoa học quốc tế chỉ ra đái tháo đường ở người trẻ có xu hướng tiến triển nặn và dễ dẫn đến biến chứng sớm hơn so với người mắc đái tháo đường muộn. Tỷ lệ biến chứng ở người bệnh trẻ cao hơn, gây khó khăn trong điều trị.
 
Báo động tình trạng đái tháo đường trẻ hóa: Nguyên nhân khiến trẻ 14, 15 tuổi đã mắc bệnh
Theo TS.BS Nguyễn Quang Bảy rất khó để điều trị đái tháo đường ở trẻ em

Cũng theo TS Bảy, việc điều trị đái tháo đường cho nhóm trẻ này khó khăn vì các thuốc điều trị hiện nay đều dành cho người lớn. Các nghiên cứu về đái tháo đường đa phần ở người từ 18 tuổi. Rất ít các bằng chứng thực tế về đái tháo đường ở người dưới 18 tuổi được nghiên cứu, nên việc dùng thuốc cho trẻ phải hết sức thận trọng.

Quá trình điều trị đái tháo đường tuýp cho trẻ không hề đơn giản bởi ngoài dùng thuốc còn phải tuân theo một chế độ ăn kiêng cực kỳ nghiêm ngặt. Với trẻ đang độ tuổi phát triển, rất khó để bắt các cháu thực hiện chế độ kiêng khem nghiêm ngặt. Đáng nói, việc bắt ép trẻ ăn uống sinh hoạt theo chế độ có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ. Mặt khác, trẻ còn nhỏ, chưa nhận thức về sự nguy hiểm và có ý thức phòng bệnh.

Nếu điều trị bệnh không đúng có thể gây ra biến chứng nguy hiểm. Ví dụ, bắt trẻ ăn uống kiêng khem thái quá có thể xảy ra hiện tượng hạ đường huyết. Do trẻ trong độ tuổi mới lớn cần một lượng đường cố định cung cấp cho não. Khi hạ đường huyết có thể ảnh hưởng trực tiếp đến não, làm giảm sự phát triển của não. Nếu tình trạng này kéo dài có thể làm giảm trí thông minh và giảm thị lực.
 
[presscloud]https://media.baosuckhoecongdong.vn/mediav2/upload/video/2019/11/11/tre-em-cung-mac-dai-thao-duong_11112019105033.mp4[/presscloud]
Trẻ em cũng mắc đái tháo đường. Video: VTC14
 
 
Hà Ly (t/h)
 
comment Bình luận