Bạn lừa đảo, vợ dọa bỏ vì sâm đương quy, lão nông kiên trì đến cùng và cái kết không thể \'ngọt\' hơn

Để có được thành quả như ngày hôm nay, lão nông Lê Văn Biết đã trải qua không ít khó khăn, thử thách, thậm chí có lúc “mất trắng”.
17:46 | 18/03/2020
Nhờ sự kiên trì, quyết tâm theo đuổi mô hình trồng sâm đương quy đến cùng, nay ông Lê Văn Biết đã gây dựng được những thứ mà ít ai làm được.

Những "cái tát" khi khởi nghiệp trồng sâm


Bắt đầu trồng sâm từ khoảng năm 2013, đến nay, ông Lê Văn Biết (61 tuổi) ở thôn Tầm Xá, xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng vẫn không thể quên những ngày tháng khi bắt đầu trồng sâm đương quy. Đặc biệt là những thử thách, những "cái tát" đau đớn.

"Khi ấy, tôi có ông bạn trồng cây dược liệu, rủ tôi cùng làm rồi lợi nhuận chia đôi. Vì đã có nghề thuốc trong tay nên tôi nhất trí ngay. Làm chung được 1 năm thì ông này thu hoạch xong cây thuốc rồi cầm tiền lặn mất tăm…", ông Biết kể kỷ niệm buồn khi bắt đầu gắn bó với cây sâm đương quy.

Quyết định phá bỏ 1 ha đất cà phê để trồng cây sâm đương quy mà giờ "mất trắng". Tuy buồn nhưng ông Biết không từ bỏ mà vẫn quyết định tiếp tục trồng cây dược liệu. Thế nhưng, ngặt một lỗi, lần này ông Biết làm mà không có sự ủng hộ của gia đình. Có lẽ vì thương chồng nên bà Lê Thị Trọng - vợ ông Biết đã từng phản đối rất nhiều mỗi khi thấy ông tối ngày lọ mọ với vườn sâm đương quy và mấy cây dược liệu.
 
Bạn lừa đảo, vợ dọa bỏ vì sâm đương quy, lão nông kiên trì đến cùng và cái kết không thể 'ngọt' hơn
Ông Lê Văn Biết đang chăm sóc, làm cỏ cho vườn sâm đương quy. Ảnh: Dân Việt

"Ngày ông ấy mới trồng cây dược liệu, trồng sâm đương quy tôi chán lắm, phản đối kịch liệt. Có lần tôi còn 'dọa' là nếu ông cứ láng cháng tối ngày với mấy cái cây thuốc là tôi bỏ đi luôn đấy. Nhưng ông ấy quyết tâm lắm, thuyết phục ngày này sang ngày khác, rồi tôi gia hạn cho ông ấy 1 năm...". Giờ đây, bà Trọng là người đồng hành không thể thiếu trong công việc sản xuất, kinh doanh cây dược liệu của chồng.

Những năm đầu gắn bó với cây thuốc, gia đình ông Biết gặp rất nhiều khó khăn. Tất cả đất đai đều trồng cây sâm đương quy trong khi cây này cần có thời gian để phát triển nên mảnh vườn chẳng có gì thu. Không những vậy, ban đầu do chưa nắm hết được kỹ thuật và cách chăm sóc nên sâm đương quy của gia đình có sản lượng và chất lượng chưa được như ý muốn.

Không nản lòng, ông Biết tiếp tục học hỏi, nắm bắt đúng kỹ thuật. Qua đến năm thứ 2, sản lượng và chất lượng sâm đương quy tăng lên. Bà Trọng khi ấy đã nhận ra được lợi ích, giá trị kinh tế từ việc trồng sâm. Ông Biết cũng rất kiên trì thuyết phục vì vậy bà Trọng đã nhất trí ủng hộ chồng làm. "Tôi thấy giá trị nó cao, làm lại không nặng nhọc mấy, nhưng luôn chân luôn tay như chăm con mọn. Tuổi của tôi và chồng thì có thể làm được nên ủng hộ để ông ấy yên tâm làm", bà Trọng chia sẻ.
 
Bạn lừa đảo, vợ dọa bỏ vì sâm đương quy, lão nông kiên trì đến cùng và cái kết không thể 'ngọt' hơn
Bà Lê Thị Trọng bên mẻ sâm đương quy mới sấy. Ảnh: Dân Việt

Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn


Công cuộc trồng cây dược liệu ngày càng thuận lợi, 1 ha trồng sâm đương quy tương đương 10 vạn cây, ông Biết thu được sản lượng trên 30 tấn tươi. Sau khi đã trừ chi phí, cứ mỗi sào (1.000 m2) trồng sâm cho thu nhập bình quân 60 triệu đồng, như vậy với 1 ha trồng sâm đương quy, gia đình ông Biết thu được 600 triệu đồng trên mảnh đất của mình. Từ thành công bước đầu, ông Biết quyết tâm mở rộng thêm vài hecta nữa để trồng sâm đương quy và thêm các cây dược liệu khác như xuyên khung, hoàng kỳ, đẳng sâm… đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Tháng 10/2017, ông Lê Văn Biết thành lập Hợp tác xã dược liệu Biết Lộc Thành. Ngay khi mới thành lập, hợp tác xã có 14 xã viên ở các xã trong huyện Lâm Hà như Tân Hà, Nam Hà… và cả huyện Đơn Dương với tổng diện tích 20 ha cây dược liệu. Sản phẩm dược liệu của các xã viên đều được ông Biết bao tiêu với giá thành ổn định.

Sản phẩm sâm đương quy thành phẩm của ông Biết đã được Công ty Cổ phần Traphaco ký hợp đồng mua với số lượng lớn. Nhu cầu thị trường lớn, nhiều người đặt mua hàng đến mức ông Biết còn không đủ hàng để cung cấp cho thị trường dược liệu ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và Sài Gòn. Nhận thấy hiệu quả kinh tế - xã hội từ việc trồng cây dược liệu, UBND huyện Lâm Hà đã hỗ trợ xây dựng một kho lạnh với công suất bảo quản 40 tấn nguyên liệu khô cho Hợp tác xã Biết Lộc Thành.
 
Bạn lừa đảo, vợ dọa bỏ vì sâm đương quy, lão nông kiên trì đến cùng và cái kết không thể 'ngọt' hơn
Sâm đương quy có thể dùng để chế biến món ăn
 
Chia sẻ về kinh nghiệm trồng sâm đương quy, ông Biết nói: "Trồng sâm đương quy, quan trọng nhất là khâu làm đất ban đầu. Trước khi xới đất phải bỏ vôi cùng phân chuồng, sau đó cho máy xới vào xới tung và đều. Tiếp theo là lên luống. Sau khi lên luống xong người trồng phải bỏ thuốc để phòng bệnh tuyến trùng rễ rồi mới xuống giống". Đặc biệt trước khi trồng, đất không được xịt thuốc bảo vệ thực vật, nếu có phải để đất nghỉ 1 năm mới có thể trồng lại cây sâm đương quy.

Theo ông Biết, thời gian thu hoạch sâm đương quy cũng rất quan trọng: "Sau khi trồng cây sâm đương quy từ 12-15 tháng thì cho thu hoạch. Nếu chưa đủ 12 tháng mà thu hoạch thì chất lượng củ sâm không đảm bảo, chưa đủ lượng tinh dầu. Còn nếu để sâm đương quy quá 15 tháng củ sẽ bị xốp, mất đi lượng tinh dầu thì chất lượng cũng bị giảm hẳn. Vì vậy cần thu hoạch sâm đương quy đúng thời gian để đảm bảo năng suất cũng như chất lượng của cây.
 
Đương quy tên khoa học là Angelica sinensis, là dược liệu có nguồn gốc từ vùng núi lạnh miền Trung Trung Quốc. Nó đã được sử dụng trong y học cổ truyền các nước châu Á trong nhiều thiên niên kỷ.

Theo y học cổ truyền, các phần khác nhau của củ sâm đương quy có tác dụng khác nhau. Phần trên cùng chỉ huyết, phần thân giữa bổ huyết và phần rễ thiên về hoạt huyết, ngăn ngừa tình trạng ứ huyết. Các thầy thuốc y học cổ truyền đã sử dụng các bài thuốc có vị đương quy để điều trị các bệnh về tuần hoàn, hô hấp và sinh sản.

Ở phương Tây, từ những năm 1800 đến nay, các chuyên gia thảo dược dùng đương quy để điều trị các vấn đề sinh sản của phụ nữ bao gồm: Rối loạn kinh nguyệt, đau bụng kinh, hội chứng tiền mãn kinh, sản hậu.

Theo Tiến sĩ Phùng Tuấn Giang - Chủ tịch Viện Nghiên cứu Phát triển Y Dược cổ truyền Việt Nam, không chỉ dùng để chữa các bệnh sản phụ, đương quy còn dùng để chữa các bệnh khác. Một số nghiên cứu đã chứng minh đương quy kết hợp với hoàng kỳ có tác dụng tăng cường chức năng thận, tăng cường hệ miễn dịch. Psoralen trong đương quy được sử dụng kết hợp với liệu pháp UV để điều trị bệnh vẩy nến,giúp cải thiện bệnh vẩy nến trên 40-66% bệnh nhân. Tinh dầu đương quy kích thích tiêu hóa, tiêu đờm, lợi tiểu, lợi trung tiện, điều trị cảm lạnh, khó tiêu, ho, bệnh phế quản, làm dịu thần kinh và kích thích sự thèm ăn.

Đương quy có thể sử dụng đơn độc hoặc phối với các vị thuốc Đông y khác thành phương thuốc để điều trị từng trường hợp bệnh cụ thể với liều dùng thông thường từ 6-18 g.

Củ sâm đương quy cũng được dùng trong các món ăn bài thuốc bổ dưỡng, hỗ trợ điều trị một số bệnh về phụ nữ, suy nhược cơ thể. Lá đương quy có hương vị gần giống cần tây, được dùng để xào nấu như một loại rau, làm hương vị cho đồ ăn và đồ uống. Tuy nhiên, những người bị rối loạn đông máu hoặc đang uống thuốc chống đông, phụ nữ có thai không nên sử dụng sâm đương quy. 
 

[presscloud]https://media.baosuckhoecongdong.vn/mediav2/upload/video/2020/03/18/Ban-lua-dao-vo-doa-bo-vi-sam-duong-quy-lao-nong-kien-tri-den-cung-va-cai-ket-khong-the-ngot-hon_18032020172117.mp4[/presscloud]
Người phụ nữ bỏ cà phê trồng sâm đương quy và cái kết bạc tỷ
 
 
Kiều Đỗ (t/h)
comment Bình luận