Bãi đỗ xe ngầm công viên Thủ Lệ: Quy hoạch được điều chỉnh \'chạy\' theo ý Him Lam BC?

Giám sát tối cao việc quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị, đoàn giám sát của Quốc hội nêu hàng loạt vi phạm tại Hà Nội khi quy hoạch được điều chỉnh 'chạy' theo ý NĐT; trong đó có dự án tại công viên Thủ Lệ.
14:11 | 28/05/2019

Báo cáo kết quả giám sát về thực hiện quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018 được Quốc hội dành trọn ngày làm việc 27/5 để thảo luận, mổ xẻ.

Từ kỳ họp trước tới nay, Đoàn giám sát do Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển làm trưởng đoàn đã làm việc với Chính phủ, 7 bộ, ngành, 12 địa phương (trong đó có những nơi “nóng” nhất về đất đai như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng), các doanh nghiệp bất động sản lớn nhất Việt Nam và khảo sát 40 dự án sử dụng đất tại đô thị.

Một vấn đề nổi cộm được đề cập trong báo cáo giám sát là tình trạng điều chỉnh quy hoạch, dồn dự án vào nội đô; thậm chí một số nhà đầu tư “găm” đất để xin điều chỉnh quy hoạch nhằm hưởng lợi từ chênh lệch địa tô.

Trong đó, thủ đô cũng có ít nhất 2 dự án ngầm ở công viên Cầu Giấy và công viên Thủ Lệ gây bức xúc trong dân chúng vì lo ngại “xẻ thịt” không gian công cộng. Tại Thủ Lệ, Hà Nội cho phép nhà đầu tư “sử dụng chung” cả phần diện tích nổi 16.000m2 với doanh nghiệp quản lý công viên.

Theo đó, CTCP  đầu tư Him Lam BC là nhà đầu tư dự án xây dựng bãi đỗ xe ngầm kết hợp thương mại dịch vụ tại Công viên Thủ Lệ, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình với kinh phí lên đến hơn 1.700 tỷ đồng; dự kiến hoàn thành vào quý IV/2020.

Công trình sẽ được xây dựng trên diện tích hơn 16.100m2. Trong đó, diện tích xây dựng có chức năng dịch vụ phụ trợ kết nối không gian ngầm và mặt bằng cảnh quan trên mặt bằng khoảng 638m2.

Diện tích bãi đỗ xe chuyên dụng của vườn thú trên mặt bằng khoảng hơn 2.000m2.

Tổng diện tích xây dựng phần ngầm khoảng hơn 72.000m2 với 5 tầng hầm và tầng kỹ thuật.

Sau khi xây dựng xong, Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Vườn thú Hà Nội được sử dụng chung diện tích đất trên bề mặt cùng với CTCP đầu tư Him Lam BC.

 
Phối cảnh dự án trên trang thông tin điện tử của CTCP Đầu tư Him Lam BC

Trên trang thông tin điện tử của CTCP Đầu tư Him Lam BC lại thể hiện dự án Điểm đỗ xe ngầm kết hợp thương mại, dịch vụ Thủ Lệ chỉ gồm 4 tầng, trong đó có 1 tầng nổi (gồm cây xanh, kiến trúc và công trình dịch vụ) và 3 tầng hầm (gồm không gian dịch vụ, kết hợp thương mại).

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực kiến trúc cho rằng, với dự án có phần diện tích thương mại, dịch vụ chiếm phần lớn hơn như bãi đỗ xe ngầm Thủ Lệ thì không được gọi là dự án bãi đỗ xe đúng nghĩa mà chính xác hơn đó là dự án thương mại.

"Tổng phần diện tích xây dựng nếu chỉ dành gần 4.000m2 (tương ứng gần 6%) dành cho bãi đỗ xe thì khó có thể đáp ứng đủ nhu cầu khi dự án đi vào hoạt động, ngay cả khi lượng xe đó chỉ vào trung tâm thương mại, dịch vụ chứ không có nhu cầu thăm quan công viên, vườn thú", KTS Nguyễn Thanh Phước nhận định với báo Đất Việt

Theo tiêu chuẩn xây dựng mà cơ quan chức năng ban hành, với dự án trung tâm thương mại và dịch vụ phải dành tối thiểu từ 15 - 25% tổng diện tích xây dựng cho hạng mục bãi đỗ xe. Nếu chiếu theo quy chuẩn này thì dự án Điểm đỗ xe ngầm kết hợp thương mại, dịch vụ Thủ Lệ chưa đáp ứng được tiêu chuẩn mà cơ quan chức năng đề ra.

Theo giám sát tối cao việc quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị, đoàn giám sát của Quốc hội nêu vi phạm từ dự án bãi đỗ xe ngầm tại công viên Thủ Lệ khi quy hoạch được điều chỉnh “chạy” theo ý nhà đầu tư đã dẫn tới nhiều hệ luỵ…


Tại trang web có địa chỉ himlambc.com.vn, Công ty Cổ phần đầu tư HimLamBC tự giới thiệu hiện đang đầu tư các dự án bất động sản có vị trí đắc địa tại Hà Nội cùng với các đối tác uy tín, đặc biệt là các nhà đầu tư lớn của Nhật Bản như Tập đoàn Aeon Mall, Công ty cổ phần Haseko, Công ty TNHH Fujiken, ...

Tuy nhiên, vai trò của HimLamBC tại các dự án cụ thể như Trung tâm thương mại Aeon Mall Long Biên hay Biệt thự cao cấp tiêu chuẩn Nhật Bản đều không được thể hiện rõ tại trang Web này, chính vì thế năng lực, cũng như kinh nghiệm của HimLamBC trong việc thực hiện các dự án bất động sản vẫn còn là một ẩn số.

Trong khi năng lực tài chính còn là một dấu hỏi to đùng, cũng như kinh nghiệm của Công ty Cổ phần đầu tư HimLamBC còn là một ẩn số, thì đơn vị này lại được UBND TP.Hà Nội chấp thuận, chỉ định là nhà đầu tư, vừa được giao đất, vừa được hưởng những ưu đãi lớn từ thành phố, lại có diện tích sử dụng dịch vụ thương mại “hốt ra bạc”. Và cũng phải nên nhớ, để triển khai dự án này, phía Công ty Cổ phần đầu tư HimLamBC chỉ có thể bỏ ra 351 tỉ đồng, số tiền còn lại 1.428 tỉ đồng đơn vị này phải đi vay.


An Linh 

comment Bình luận