BA.2.75 được mệnh danh là 'chủng siêu lây nhiễm'

BA.2.75 chỉ xuất hiện hơn một tháng nhưng đã được mệnh danh là 'chủng siêu lây nhiễm'. Đặc biệt, nó đe dọa những người đã khỏi bệnh hoặc tiêm vaccine sẽ tái mắc Covid-19.
13:36 | 12/07/2022

SARS-CoV-2 thay đổi nhanh chóng đã sinh ra một loạt đột biến Omicron siêu lây nhiễm khác khiến giới khoa học lo lắng. Đặc biệt, chủng phụ mới nhất của nó - BA.2.75 - vừa xuất hiện ở Ấn Độ và nhiều quốc gia, đã trở thành mối quan tâm đặc biệt. Những người "trong tầm ngắm" lúc này chính là nhóm từng mắc Covid-19 hoặc đã tiêm vaccine.

Các nhà khoa học cho biết biến chủng phụ BA.2.75 của BA.2 Omicron có thể lây lan nhanh chóng và thoát khỏi miễn dịch từ vaccine hoặc lần mắc Covid-19 trước đó. Nhưng họ không rõ liệu nó có thể gây ra bệnh nghiêm trọng hơn các biến chủng Omicron khác hay không, bao gồm cả BA.5 "khét tiếng", theo AP News.

Trước số ca mắc Covid-19 gia tăng trên toàn cầu, bao gồm Ấn Độ, Mỹ, các nhà khoa học bắt đầu xem xét BA.2.75 như một "dị nhân" mang đột biến siêu lây nhiễm. Họ cho rằng các đột biến có thể khiến chủng này dễ lây lan hơn BA.5 đang hoành hành.

Ông Matthew Binnicker, Giám đốc Virus học lâm sàng tại Mayo Clinic ở Rochester, Minnesota, Mỹ, nhận định: “Vẫn còn quá sớm để chúng tôi đưa ra quá nhiều kết luận. Nhưng có vẻ tốc độ lây truyền đang theo cấp số nhân, đặc biệt là ở Ấn Độ". Ông cho rằng vẫn chưa thể xác định liệu nó có cạnh tranh được với BA.5 không.

Y tá chuẩn bị tiêm vaccine Covid-19 cho người dân tại trung tâm tiêm chủng tư nhân ở Gauhati, Ấn Độ, ngày 10/4. Ảnh: AP/Anupam Nath.

Tuy nhiên, thực tế, nó đã được phát hiện ở nhiều nơi trên thế giới ngay cả với mức độ giám sát virus thấp hơn. Đây là "dấu hiệu sớm cho thấy nó đang lây lan” - bà Shishi Luo, người đứng đầu bộ phận bệnh truyền nhiễm của Helix, công ty cung cấp dịch vụ giải trình tự virus cho biết. Helix chuyên cung cấp thông tin cho Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ.

Theo nhà khoa học Lipi Thukral, Hội đồng Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp, Viện Nghiên cứu Di truyền và Sinh học Tích hợp, New Delhi, Ấn Độ, BA.2.75 đã được tìm thấy ở khoảng 10 quốc gia, gồm Australia, Vương quốc Anh, Canada... Hai ca mắc gần đây được xác định ở bờ Tây nước Mỹ. Helix cũng mới xác định người thứ 3 nhiễm chủng này ở Mỹ vào tuần trước.

Mối quan tâm của các chuyên gia hiện nay là số lượng lớn các đột biến mới hoàn toàn so với chủng Omicron trước đó. Ông Binnicker cho biết một số đột biến nằm trong các khu vực liên quan protein gai, cho phép virus liên kết với tế bào người hiệu quả hơn.

Một mối quan tâm khác là các chỉnh sửa gene có thể khiến virus dễ dàng vượt qua các kháng thể trong quá khứ - vốn là các protein bảo vệ do cơ thể tạo ra để phản ứng với vaccine hoặc lần nhiễm một biến chủng nào trước đó.

Điều này dấy lên lo ngại những người đã có kháng thể vẫn có nguy cơ tái mắc Covid-19. Đặc biệt trong bối cảnh phát hiện gần đây cho thấy người mắc Covid-19 từ 2 lần trở lên có nguy cơ nhập viện cao hơn và gặp các biến chứng nghiêm trọng về phổi, đông máu, tim mạch, thần kinh…

Đây là kết quả trong nghiên cứu mới của Đại học Y khoa và VA ở Saint Louis, được công bố trên tạp chí Research Square, chỉ ra tác động lâu dài của việc tái mắc Covid-19 đến sức khỏe người bệnh. Những người nhiễm nCoV 2 lần trở lên có nguy cơ mắc một số biến chứng sức khỏe như tim mạch và đông máu. Tái mắc Covid-19 còn có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho phổi và dẫn đến các vấn đề về thận, thần kinh, cơ xương... Trong một số trường hợp, bệnh nhân cũng có thể phát triển bệnh tiểu đường hoặc rối loạn sức khỏe tâm thần.

Trước đó, một nghiên cứu vào 1/2022 cho thấy Covid-19 làm gia tăng hơn 50% nguy cơ suy tim và đột quỵ, bất kể các yếu tố như chủng tộc hoặc giới tính.

BA.2.75 còn được gọi là "Omicron tàng hình" vì khả năng né tránh miễn dịch. Ảnh: Freepik.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng tiêm vaccine và mũi tăng cường vẫn là cách bảo vệ tốt nhất chống lại nguy cơ mắc Covid-19 nghiêm trọng. Vào mùa thu, có thể Mỹ sẽ có công thức vaccine Covid-19 cập nhật, phát triển nhằm mục tiêu áp chế các chủng Omicron gần đây.

“Một số người có thể nói 'chà, việc tiêm phòng và mũi tăng cường không ngăn được mọi người bị nhiễm bệnh'. Đúng, đó là sự thật. Nhưng những gì chúng ta thấy là tỷ lệ nhập viện và tử vong đã giảm đáng kể. Khi ngày càng nhiều người được tiêm chủng, tăng cường vaccine hoặc kháng thể từ nhiễm bệnh tự nhiên, mức độ miễn dịch cơ bản trên toàn thế giới cũng tăng lên", ông Binnicker nhấn mạnh.

Giới nghiên cứu có thể mất vài tuần để biết liệu dòng phụ Omicron mới nhất có thể ảnh hưởng đến quỹ đạo của đại dịch hay không. Trong khi đó, tiến sĩ Gagandeep Kang, chuyên gia về virus tại Cao đẳng Y tế Ấn Độ, cho rằng mối quan tâm ngày càng tăng về các biến chủng nCoV nhấn mạnh sự cần thiết phải có nhiều nỗ lực hơn nữa để theo dõi, truy tìm virus, kết hợp các nỗ lực di truyền với thông tin ai đang mắc bệnh, tình trạng thế nào.

Trong khi đó, theo bà Shishi Luo, BA.2.75 là lời nhắc nhở nCoV vẫn đang phát triển và lan rộng. "Chúng ta muốn trở lại cuộc sống trước đại dịch, nhưng chúng ta vẫn cần phải cẩn thận. Thế giới phải chấp nhận chúng ta đang sống với mức độ rủi ro cao hơn trước", bà nói.

Trong bản tin ngày 7/7 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cơ quan này đề cập đến dòng phụ hoàn toàn mới của Omicron đó là BA.2.75, được phát hiện ở nhiều quốc gia như Mỹ, Ấn Độ. Các chuyên gia gọi BA.2.75 là biến chủng "Omicron tàng hình", cho rằng đây là phiên bản virus tồi tệ nhất với khả năng né khỏi hệ miễn dịch nhanh chưa từng thấy. Các quốc gia đã phát hiện ca nhiễm chủng này, như Australia, Canada, Nhật Bản, New Zealand, Đức, Mỹ, Vương quốc Anh, Ấn Độ...

Theo Firstpost, một nhà khoa học chuyên về gene của Ấn Độ cho biết BA.2.75 có hơn 80 đột biến, BA.2 có khoảng 60 đột biến. BA.2.75 có nhiều đột biến mới trên gai protein, trong đó, 2 đột biến đáng chú ý là G446S và R493Q. Chúng cho phép biến chủng này có khả năng lẩn tránh nhiều kháng thể và dễ xâm nhập vào tế bào. Điều này có nghĩa BA.2.75 dễ lây nhiễm cho người từng mắc Covid-19, đã tiêm vaccine hơn.

comment Bình luận