Nhìn lại 5 ca ghép phổi thành công đặc biệt của Việt Nam, có 1 ca từ người hiến còn sống

Tính đến nay, Việt Nam đã thực hiện thành công 5 ca ghép phổi, trong đó có 4 ca từ người hiến chết não và 1 người hiến còn sống.
11:10 | 15/05/2020
Cả 5 ca phép phổi thành công tại Việt Nam đều được thực hiện tại các bệnh viện ở Hà Nội. Trong đó Bệnh viện Việt Đức thực hiện 3 ca, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và Bệnh viện Quân y 103 mỗi viện một ca.
 
Các chuyên gia đánh giá ghép phổi là kỹ thuật khó bậc nhất trong ngành ghép tạng bởi những đặc thù riêng khác với các cơ quan nội tạng khác. Từ việc lựa chọn phổi tương thích tới các bước chăm sóc trong và sau quá trình ghép đều rất phức tạp.
 

Ghép phổi từ người hiến tặng còn sống


Ca ghép phổi từ người hiến còn sống đầu tiên của Việt Nam diễn ra ngày 21/2/2017 do Bệnh viện Quân y 103 phối hợp với các chuyên gia Nhật Bản thực hiện.

Người nhận phổi là một bệnh nhi 7 tuổi, bị giãn phế quản bẩm sinh, suy hô hấp, được ghép cả hai lá phổi từ người hiến là bố và bác ruột (mỗi người một phần). Phổi hiến được lấy từ người thân của bé có tỷ lệ hòa hợp rất cao. Các bác sĩ cắt lấy thùy phổi dưới của người tặng để thay thế cả hai lá phổi cho trẻ.
 
Ca phẫu thuật kéo dài 11 tiếng. Sau phẫu thuật, các chỉ số sinh tồn đều ổn định. Hiện tại sức khỏe bé hoàn toàn khỏe mạnh. Theo chuyên gia của Nhật, sau khi được ghép phổi, bé có thể sống đến 60, 70 thậm chí 80 tuổi.
 

Ghép phổi từ người hiến chết não đầu tiên


Ca phép phổi từ người hiến chết não đầu tiên được thực hiện tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Người nhận là bệnh nhân Trần Ngọc Hanh, 54 tuổi, bị bệnh phổi tắc nghẽn giai đoạn cuối.

Trong vòng 8 giờ, 20 y bác sĩ tham gia ca ghép phổi với sự hỗ trợ của các chuyên gia hàng đầu về gây mê hồi sức và ghép phổi của Pháp, Bỉ.
 
 5 ca ghép phổi thành công đặc biệt của Việt Nam, có 1 ca từ người hiến còn sống
Anh Trần Ngọc Hanh, 54 tuổi, hồi phục sau khi tiến hành ca ghép phổi. Ảnh: Bệnh viện 108

Sau ghép, bệnh nhân Hanh phục hồi 70-80%, tự thở, tập phục hồi chức năng. Các chuyên gia cho biết, nếu lấy tạng từ người còn sống, các bác sĩ chủ động miếng ghép, tính toán được trước các thông số, đo đạc phổi, làm vệ sinh... Người nhận tạng ít bị các biến chứng nhiễm khuẩn. 
 
Còn khi ghép tạng từ người chết não, bác sĩ hoàn toàn bị động trong quy trình chuẩn bị. Nguy cơ nhiễm trùng cao hơn và quá trình kiểm tra không thể chắc chắn hoàn toàn.

Hai ca ghép đa tạng đặc biệt tại BV Việt Đức


Cho đến nay, Bệnh viện Việt Đức là nơi giàu kinh nghiệm bậc nhất về ghép tạng tại Việt Nam. Bệnh viện này thực hiện hai ca ghép tạng đặc biệt, có ghép phổi cực khó.
 
[presscloud]https://media.baosuckhoecongdong.vn/mediav2/upload/video/2019/11/01/ca-ghep-phoi-dau-tien-benh-vien-viet-duc_01112019144456.mp4[/presscloud]
Video: VNews

Trường hợp thứ nhất là thiếu niên Nguyễn Văn Đức, 17 tuổi mắc bệnh mô bào phổi, lá phổi gần như hỏng toàn bộ, không còn hoạt động. Bệnh nhân đã được duy trì sự sống cho đến khi tìm được lá phổi tương thích từ một người đàn ông chết não 43 tuổi.
 
5 ca ghép phổi thành công đặc biệt của Việt Nam, có 1 ca từ người hiến còn sống
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tới thăm Đức thời điểm sau phẫu thuật. Ảnh BV Việt Đức

Đây là ca ghép phổi vô cùng đặc biệt bởi sức khỏe bệnh nhân suy kiệt nghiêm trọng nên hậu phẫu, chàng trai 17 tuổi phải sống trong phòng cách ly suốt 10 tháng để chống chọi với tình trạng nhiễm trùng. Gần một năm sau ghép, bệnh nhân được xuất viện, hiện đang sống khỏe mạnh tại quê nhà Hải Dương.

Trường hợp thứ hai là ca mổ lấy - ghép hai phổi diễn ra tháng 8/2019. Đây là ca ghép hai phổi từ người cho chết não thứ hai tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và là ca thứ ba của Việt Nam.

Người nhận phổi là Ngô Văn Khương, 33 tuổi. Vài tháng sau khi ghép, bệnh nhân có thể tự làm được việc nhà như bơm nước rửa sân, tưới rau, chăm cây cối... Đặc biệt, anh còn lái được xe máy lần đầu tiên sau cả chục năm ốm đau.
 
5 ca ghép phổi thành công đặc biệt của Việt Nam, có 1 ca từ người hiến còn sống
Anh Khương khi tái khám tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, tháng 12/2019

Vừa sửa tim vừa ghép phổi


Ngày 25/12/2019, các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức lần đầu tiên thực hiện thành công ca phẫu thuật sửa tim và ghép phổi đồng thời, từ nguồn tạng của thanh niên 19 tuổi chết não.

Người nhận cả tim lẫn phổi là nữ bệnh nhân 30 tuổi bị bệnh tim bẩm sinh giai đoạn cuối. Nếu không được ghép phổi, người bệnh sớm tử vong do suy chức năng tim - phổi.

Ca mổ ghép phổi diễn ra trong 12 giờ, thành công. Đến tháng 2/2020, sức khỏe bệnh nhân cải thiện rõ rệt, chị có thể chủ động ăn uống, tắm rửa và tập luyện nhẹ nhàng trong nhà đồng thời tham gia công việc kinh doanh của gia đình.
 
 
Hà Ly (t/h)
 
comment Bình luận