4 huyện vẫn đang tiếp tục cách ly xã hội do nguy cơ lây nhiễm cao

Trong khi hầu hết các địa phương trên cả nước được nới lỏng giãn cách xã hội thì vẫn còn 4 huyện thuộc nhóm nguy cơ cao, tiếp tục thực hiện theo Chỉ thị 16 về cách ly xã hội.
11:12 | 24/04/2020

Còn 4 huyện vẫn tiếp tục cách ly xã hội

 
Mới đây, VPCP vừa có văn bản thông báo kết luận của Thủ tướng tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 diễn ra ngày 20 và 22/4. Theo đó, Thủ tướng nhấn mạnh rằng, hiện cả nước đã chuyển sang một giai đoạn mới - giai đoạn phòng chống dịch dài hơn, đảm bảo người dân sẵn sàng thích nghi trong bối cảnh dịch bệnh được kiểm soát tốt cùng với phát triển kinh tế xã hội.
 
Thủ tướng cũng yêu cầu những khu vực có nguy cơ cao cần phải tiếp tục thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16. Bên cạnh đó, cần vận động người dân rèn thói quen đeo khẩu trang khi ra ngoài, thường xuyên rửa tay sát khuẩn, giữ khoảng cách an toàn nơi công cộng, hạn chế ra ngoài và tụ tập nơi công cộng. 
 
4 địa phương trên cả nước vẫn đang tiếp tục cách ly xã hội do nguy cơ lây nhiễm cao là những nơi nào?
Ảnh minh họa. 

Những người có dấu hiệu ốm, sốt nên liên hệ với bệnh viện và bác sĩ để được tư vấn, tuyệt đối không ra ngoài, đến cơ quan, công sở, trường học hay bất kỳ nơi công cộng nào.
 
Hiện tại, vẫn còn 4 huyện thuộc nhóm nguy cơ cao, tiếp tục thực hiện theo Chỉ thị 16 về cách ly xã hội gồm huyện Mê Linh, Thường Tín của TP Hà Nội, huyện Đồng Văn của tỉnh Hà Giang, huyện Yên Phong của tỉnh Bắc Ninh.
 
Chủ tịch UBND tỉnh, thành liên quan cần xác định phạm vi khu vực nguy cơ cao và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Tỉnh, thành có nguy cơ là các quận huyện còn lại của Hà Nội. Đối với những tỉnh, thành thuộc nhóm nguy cơ thấp sẽ tiếp tục nới lỏng các biện pháp hạn chế, từng bước khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội.
 

Những địa phương được nới lỏng giãn cách, quán ăn hoạt động trở lại cần lưu ý những gì? 


Theo PGS-TS Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), trong thời điểm nới lỏng giãn cách xã hội, để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm thì các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống cần phải tuân thủ những yêu cầu sau:
 
- Chỉ các cơ sở kinh doanh thực phẩm đủ điều kiện cấp phép mới được kinh doanh trở lại.
 
- Người chế biến thực phẩm, phục vụ đồ ăn bắt buộc phải đeo khẩu trang. Nếu những người này có biểu hiện sốt, ho tuyệt đối không được cho làm việc. Trong quá trình chế biến thực phẩm và phục vụ đồ ăn không được nói to, cười đùa, cần hạn chế tiếp xúc gần.
 
4 địa phương trên cả nước vẫn đang tiếp tục cách ly xã hội do nguy cơ lây nhiễm cao là những nơi nào?
Ảnh minh họa. 
 
- Khu vực chế biến thức ăn cần phải đảm bảo sạch sẽ và thoáng mát; phải có nơi rửa tay, đủ xà phòng và nước sạch, có thể trang bị thêm dung dịch khử khuẩn bàn tay. 
 
- Không được phục vụ nhiều người cùng lúc. Khu vực ăn uống phải có đủ bàn ghế, bố trí khoảng cách an toàn giữa những người ăn uống, dụng cụ ăn uống đảm bảo riêng biệt cho từng người, được vệ sinh sạch sẽ và khử khuẩn trước khi sử dụng. 

- Đối với các suất ăn sẵn, thực phẩm chuyển đi phải được bao gói trong hộp/túi kín, an toàn và bảo quản theo quy định trong suốt quá trình vận chuyển. Đối với bếp ăn tập thể ở khu công nghiệp, chế xuất, doanh trại các đơn vị, bệnh viện, cơ sở giáo dục, trường học có đông người ăn uống cần bố trí ăn theo nhiều ca để bảo đảm khoảng cách giữa những người ăn uống.
 
- Người ăn uống yêu cầu phải rửa tay sạch bằng xà phòng, sử dụng dung dịch khử khuẩn bàn tay trước và sau khi ăn uống; giữ vệ sinh, hạn chế di chuyển, không nói to, cười đùa trong khi ăn uống.
 
[presscloud]https://media.baosuckhoecongdong.vn/mediav2/upload/video/2020/02/06/nguoi-nghi-nhiem-virus-corona-tai-viet-nam-duoc-cach-ly-nhu-the-nao_06022020101123.mp4[/presscloud]
Người nghi nhiễm SARS-CoV-2 ở Việt Nam được cách ly như thế nào
 

Thùy Nguyễn (t/h)
comment Bình luận